Thành phố HCM xin tạm ứng trước bao nhiêu ngàn tỷ để làm nhanh tuyến đường Vành Đai 3
Được quy hoạch từ nhiều năm nhưng Đường Vành đai TP HCM chưa thực hiện do Trung ương chưa bố trí vốn.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến vừa đề xuất Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kiến nghị Chính phủ cho triển khai dự án tuyến đường Vành đai 3, đoạn qua địa bàn TP HCM.
UBND TP HCM sẽ đề nghị HĐND tạm ứng ngân sách 2.939 tỷ đồng để bồi thường giải phóng mặt bằng, trong khi chờ Trung ương triển khai thủ tục và phương thức đầu tư.
Động thái được chính quyền thành phố đưa ra nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án vì đường Vành đai 3, đoạn qua thành phố, ở trạng thái "bất động" từ rất lâu do trung ương chưa bố trí vốn.
Sơ đồ đường Vành đai 3 TP HCM. |
Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2011, đường Vành đai 3 TP HCM dài gần 90 km, gồm 4 đoạn với tổng số vốn khoảng 55.805 tỷ đồng. Trong đó, tiền giải phóng mặt bằng là hơn 5.630 tỷ tại 4 địa phương.
Điểm đầu của tuyến bắt đầu từ đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, sau đó đi qua 4 tỉnh thành là Đồng Nai; TP HCM; Bình Dương và Long An. Điểm cuối giao với đường cao tốc TP HCM - Trung Lương và đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Tuy nhiên, hiện chỉ có đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (Bình Dương) dài 16 km đã được đầu tư. Phần còn lại của dự án, gồm Nhơn Trạch - Tân Vạn (gần 35 km); Bình Chuẩn - Quốc lộ 22 (hơn 19 km) và Quốc lộ 22 - Bến Lức (gần 29 km) được đơn vị nghiên cứu đánh giá là thực sự cần thiết và phải nhanh chóng đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa khởi động được do chưa có vốn.
Trong đó, riêng đoạn từ Bình Chuẩn, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương đi qua các huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh của TP HCM để kết nối vào huyện Bến Lức, tỉnh Long An dài gần 48 km được đánh giá là "cực kỳ cần thiết" để kéo giảm kẹt xe. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn một của đoạn tuyến này là 950 triệu USD.
Để sớm hoàn thành dự án, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý Dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long) - đơn vị thay mặt Bộ GTVT quản lý dự án, kiến nghị đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Về công tác giải phóng mặt bằng, CIPM Cửu Long đưa ra giải pháp: các địa phương hỗ trợ ứng trước (TP HCM 2.939 tỷ đồng, Bình Dương 2.055 tỷ, Long An 639 tỷ) sau đó Nhà nước sẽ hoàn trả bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Theo đơn vị nghiên cứu, khi hình thành đoạn tuyến Vành đai 3 trên sẽ kết nối các tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương, Quốc lộ 1A và tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đang xây dựng. Từ đó, tạo nên một mạng lưới giao thông huyết mạch của TP HCM nối kết với các tỉnh liền kề và 7 tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam...
Nguồn tham khảo từ: vnexpress.net