Bình Phước: Cơ chế mở để đón “đại bàng”
Bình Phước cam kết luôn lắng nghe, chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư đến với Bình Phước.
Đó là khẳng định của ông Trần Văn Mi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước.
Ông có thể phác thảo đôi nét về bức tranh thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Phước thời gian qua?
Thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID -19, nhưng làn sóng đầu tư vào Bình Phước vẫn tiếp tục tăng mạnh, nhờ tỉnh liên tục cải thiện chính sách thu hút đầu tư, làm tốt công tác phòng, chống dịch và cung ứng đủ nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.
Năm 2020, Bình Phước đã thu hút đầu tư trong nước 120 dự án, với số vốn đăng ký trên 12.000 tỷ đồng; thu hút đầu tư nước ngoài 36 dự án, với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt 432 triệu USD. Số doanh nghiệp thành lập mới năm 2020 là 1.246 doanh nghiệp, tăng 11,8% so với năm 2019.
Đặc biệt, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức cuối năm 2020, UBND tỉnh Bình Phước đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 35 nhà đầu tư, thực hiện 46 dự án đầu tư. Trong đó, khu công nghiệp (KCN) Minh Hưng - Sikico 11 dự án, KCN Becamex - Bình Phước 15 dự án, 20 dự án hạ tầng cụm công nghiệp và ngoài KCN với tổng vốn đăng ký đầu tư 46.276 tỷ đồng, tương đương gần 2 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018.
Trong tháng 9 năm 2021, Bình Phước đã thu hút 60 dự án FDI với số vốn đăng ký là 691 triệu USD, tăng 250% về số dự án và tăng 8,1 lần về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020. Cũng trong 9 tháng, trên địa bàn tỉnh có 805 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 15.979 tỷ đồng, tăng 55,32% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020, đạt 68% kế hoạch năm; lũy kế đến hết tháng 9/2021 có 9.525 doanh nghiệp đăng ký thành lập, với số vốn đăng ký là 166.170 tỷ đồng.
- Ông có thể chia sẻ tới cộng đồng doanh nghiệp những lợi thế của Bình Phước trong thu hút đầu tư, thưa ông?
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Phước là cầu nối giữa Đông Nam bộ và Tây nguyên, cửa ngõ quan trọng của hành lang kinh tế Đông - Tây. Đặc biệt, ở vị trí tiếp giáp với tỉnh Bình Dương và TP HCM, là những trung tâm kinh tế lớn, năng động của cả nước, Bình Phước có nhiều lợi thế trong liên kết vùng, giao thương, tập kết và trung chuyển hàng hóa.
Năm 2020, Chỉ số PCI Bình Phước tăng 0,21 điểm (từ 62,21 lên 62,42 điểm), tăng 11 bậc so với năm 2019. Tỉnh Bình Phước đang quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm mục tiêu nâng chỉ số PCI năm 2021 tăng tối thiểu 8-10 bậc so với năm 2020.
Bình Phước đã xây dựng 15 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích gần 5.000 ha, trong đó 11 KCN đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động; tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ thuận chủ trương mở rộng 03 KCN và thành lập mới 04 KCN nâng tổng số các KCN là 19 KCN với tổng diện tích 10.000 ha.
Tỉnh đã thành lập 08 cụm công nghiệp với diện tích khoảng 430 ha hiện đang đồng loạt triển khai xây dựng; theo quy hoạch đến năm 2030 tỉnh có 40 cụm công nghiệp với diện tích là 1.600 ha; đây là những khu vực thu hút đầu tư những ngành nghề hoạt động vệ tinh phụ trợ cho các KCN.
Ngoài ra, Bình Phước có khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư tổng diện tích hơn 28.300 ha, giáp Campuchia có tuyến giao thông rất thuận lợi để kết nối với Lào và Thái Lan, rất thuận lợi cho các nhà đầu tư…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Văn Mi chủ trì cuộc họp với các sở, ngành liên quan nhằm phân tích, đánh giá kết quả thực hiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020 và đề ra phương hướng nhiệm vụ cho năm 2021.
- Như ông khẳng định, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi là 1 trong những điều kiện tiên quyết thu hút các nhà đầu tư đến với Bình Phước, thưa ông?
Đúng vậy! Thời gian qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Phước đã quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Bình Phước sẽ tạo cơ chế tốt nhất để “đại bàng” về làm tổ. Đến nay, 100% dịch vụ công trực tuyến được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và vươn lên đứng đầu cả nước.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế và các cơ quan chuyên môn phải thực hiện việc giải quyết 100% thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh theo theo nguyên tắc 4 tại chỗ: tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả. Các điều kiện về đầu tư, kinh doanh luôn được rà soát để cắt giảm, đơn giản hóa một cách tối đa. Tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh được đưa vào hoạt động từ giữa năm 2020, đã tạo dựng nền tảng ban đầu để xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn… Bên cạnh đó, Bình Phước cũng tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
- Ông có chia sẻ với các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Phước?
Quan điểm nhất quán của lãnh đạo tỉnh Bình Phước từ trước đến nay là luôn xem thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh. Vì vậy, Bình Phước luôn đồng hành với doanh nghiệp trong mọi hoàn cảnh.
Các cấp chính quyền tỉnh Bình Phước luôn cầu thị và lắng nghe những phản ánh, góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc hoạch định và thực thi các chương trình, kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh… qua đó tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đến với Bình Phước, góp phần đưa kinh tế - xã hội tỉnh phát triển bền vững.